Hội Họa Trung Hoa Thời Kì Cổ Trung Đại

Hội Họa Trung Hoa Thời Kì Cổ Trung Đại

Melde dich an, um fortzufahren.

Melde dich an, um fortzufahren.

Đạo Thiên chúa ở phía Tây và phía Đông châu Âu

Tượng miêu tả cảnh vua Clovis rửa tội.

Lúc khởi đầu, Kitô giáo là một tôn giáo thống nhất. Nhưng rồi vào giai đoạn đầu Trung cổ, sự tách ly giữa Kitô giáo ở phía Đông và phía Tây châu Âu dần dần ngày càng được mở rộng ra. Ở phía Tây, địa vị của Tổng giám mục thành Rome ngày càng cao và sau này họ xưng là Giáo hoàng. Giáo hội ở Rome được xem như một tổ chức chính trị đặc biệt và có tiếng nói quyết định trong nhiều sự kiện ở Tây Âu. Ở phía Đông, Tổng giám mục thành Constantinople là người đứng đầu giáo hội, nhưng khác với Tây Âu là vẫn phải chịu sự chỉ huy của hoàng đế Byzantine.

Đến thế kỷ 11, hai bên mâu thuẫn gay gắt và cuối cùng đi đến việc khai trừ giáo tịch lẫn nhau. Đó gọi là cuộc Đại ly giáo Đông Tây. Từ đó ở phương Tây gọi là giáo hội Công giáo Rôma, còn ở phương Đông là giáo hội Chính thống theo Chính thống giáo Đông phương. Mặc dù không thật sự khác nhau nhiều lắm về niềm tin, nghi thức, v.v... nhưng hai giáo hội này hoàn toàn độc lập với nhau. Ngoài ra còn có đạo Thiên chúa Celtic ở đảo Anh là một nhánh độc lập với hai giáo hội trên.

Ở Tây Âu, nhà thờ Thiên chúa giáo là tổ chức duy nhất từ thời La Mã hầu như không bị người man tộc xâm phạm sau sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã. Chính vì vậy mà chỉ ở những cơ sở tôn giáo này mới còn giữ lại được các thành tựu của nền văn hóa cổ đại. Giai đoạn đầu Trung cổ chứng kiến sự cải đạo mạnh mẽ của các man tộc, như đã đề cập rải rác ở các phần trên. Khi bắt đầu giai đoạn giữa Trung cổ thì chỉ còn bán đảo Scandinavia, vùng Baltic, và một số vùng Finno-Ugric là chưa được cải đạo.

Sự hồi sinh của các vương quốc German ở Tây Âu (700-850)

Tình hình ở Tây Âu được cải thiện đáng kể từ sau năm 700 với một sự phát triển tăng vọt về nông nghiệp kéo dài tới năm 1100. Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đã có sự gia tăng đáng kể về lượng ánh sáng chiếu xuống châu Âu từ năm 600 đến năm 900. Về mặt tôn giáo, hầu như tất cả Tây Âu (trừ bán đảo Iberia do người Hồi giáo chiếm đóng và một phần phía Bắc đảo Anh) đều đã quy phục theo Giáo hội Công giáo Rôma. Về mặt xã hội, sự tương tác giữa nền văn hóa của những kẻ mới tới với những gì còn sót lại của văn hóa La Mã, cộng thêm tầm ảnh hưởng của đạo Thiên chúa, đã cùng nhau sản sinh ra một hình mẫu xã hội mới dựa trên việc chấp hành những nghĩa vụ phong kiến. Hệ thống quản lý hành chính theo kiểu tập trung của người La Mã không thể tồn tại được với những thay đổi này, đi kèm với điều đó là sự biến mất của chế độ chiếm hữu nô lệ.

Bán đảo Italy chưa bao giờ là một khối thống nhất trong suốt thời kỳ Trung cổ. Những người Lombard do vua Alboin lãnh đạo xâm nhập Italy vào năm 568 và lập ra một vương quốc ở phía Bắc bán đảo này với kinh đô là Pavia. Trong hai thế kỷ, vương quốc Lombard liên tục tranh đấu với Đế chế Byzantine để giành quyền kiểm soát các vùng Ravenna, Lazio, Calabria, và Apulia.

Nhà nước Lombard đúng nghĩa là man tộc nếu so với những nhà nước German ra đời trước đó ở Tây Âu. Thể thức của nó rất phi tập trung hóa; các lãnh chúa tự nắm toàn quyền trong lãnh địa của mình. Sau cái chết của Cleph vào năm 575, người Lombard thậm chí còn không chịu bầu ra vua mới trong suốt một thập niên. Bộ luật đầu tiên của họ là bộ Edictum Rothari được soạn vào năm 643, tuy nhiên nó được viết ra bằng thứ tiếng Latinh rất kém cỏi và chỉ đơn thuần là sự tập hợp của các luật lệ truyền miệng trước đây.

Vương quốc Lombard được bình ổn lại dưới thời vua Liutprand (717–744), thế nhưng sự sụp đổ của nó lại diễn ra một cách bất ngờ. Vào các năm 754 và 756, vua Pepin Lùn của người Frank đánh chiếm một số đất đai của Lombard rồi trao cho Giáo hoàng để thành lập nên Nước Giáo hoàng (tiếng Anh: Papal States), có thể xem là một tổ chức chính trị đặc biệt. Hai thập niên sau đó, vào năm 774, do những tranh chấp với Giáo hoàng mà vua Desiderius của Lombard cuối cùng đã bị mất nước về tay Hoàng đế Charlemagne.

Vùng đất phía Bắc ranh giới của khu Giáo hoàng sau đó được cai trị bởi các tiểu quốc chư hầu của Hoàng đế Đế chế La Mã thần thánh cho đến thế kỷ 11 và 12, khi nhiều thành phố nổi dậy giành quyền tự trị. Miền Nam Italy thì bị xâu xé trong vài thế kỷ bởi các thế lực khác nhau như các công tước ở Benevento và Spoleto, Đế chế Byzantine, người Hồi giáo, người Norman, và các chính quyền địa phương.

Giai đoạn đầu Trung cổ chứng kiến việc những người Anglo-Saxon tới thay thế người Briton (dân tộc bản xứ ở đảo Anh lúc đó) để làm bá chủ của đảo Anh. Ngay từ giữa thế kỷ thứ 5, các bộ tộc có xuất xứ từ những vùng mà hiện nay là Đức, Hà Lan, và Đan Mạch đã bắt đầu những cuộc cướp phá nhắm vào đảo Anh. Theo chuyện kể lại, hai tộc trưởng người Jutes là Hengest và Horsa đã được vị vua người Briton là Vortigern mời đem quân tới chống lại bộ tộc Pict, đổi lại họ sẽ được cắt đất. Sau đó, nhận ra sự trù phú ở nơi đây, những đợt người Jutes và Anglo-Saxon đã ồ ạt đổ vào đảo Anh và tiến hành những cuộc xâm lược để hất cẳng luôn người Briton. Mặc dù vậy, một số người Briton vẫn bảo vệ được lãnh thổ và truyền thống của mình ở các vùng Wales, Dumnonia và Hen Ogledd. Câu chuyện về vua Arthur huyền thoại chiến đấu chống lại người Saxon là một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất của họ (sự xác thực của nhân vật này vẫn còn là đề tài tranh cãi). Phần lớn người Briton khác thì chạy trốn đến Brittany (Tây Bắc Pháp).

Những người Anglo-Saxon xây dựng một số vương quốc với tầm quan trọng và thời gian tồn tại khác nhau. Vua Alfred Đại đế (ở ngôi từ 871-899, và cũng là vị vua người bản xứ duy nhất của Anh được gọi là "Đại đế") của vương quốc Wessex đã dẫn dắt họ chống lại quân xâm lược Viking tới từ Đan Mạch, và sau đó thì quá trình thống nhất nước Anh được hoàn tất vào năm 926 khi Northumbria được sát nhập bởi vua Athelstan, người cháu của vua Alfred Đại Đế.

Charlemagne được Giáo hoàng gia miện ở Rome

Đế chế Frank được xem là đỉnh cao cho sự phát triển của các vương quốc Tây Âu trong giai đoạn này. Dưới thời kỳ trị vì của vua Clovis I (481-511), người Frank liên tiếp giành thắng lợi trước các thế lực đối địch như người Alamanni và Visigoth, trong đó có trận Tolbiac (496) mang ý nghĩa quyết định. Cũng trong năm 496, Clovis cải theo Công giáo Rôma và làm lễ rửa tội ở Rheims, điều này giúp người Frank có được sự ủng hộ của giới quý tộc Thiên chúa giáo trong các chiến dịch quân sự của mình. Khi Clovis qua đời, vương triều Merovingian do ông sáng lập đã kiểm soát gần như toàn bộ xứ Gaul rộng lớn, chỉ trừ tỉnh Septimania của người Goth ở phía tây và vương quốc Burgundy ở vùng đông nam. Những năm sau đó, các hậu duệ của Clovis cũng đều tiếp tục tiến hành chính sách mở rộng lãnh thổ. Họ xóa sổ vương quốc Burgundy và chinh phục nốt những phần còn lại của vương quốc Visigoth ở xứ Gaul vào thế kỷ thứ 6.

Từ giữa thế kỷ thứ 7 trở đi thì quyền lực trong vương quốc Frank chủ yếu nằm trong tay các vị Quản thừa. Năm 732, Quản thừa Karl Búa Sắt (Charles Martel) giành chiến thắng oanh liệt trong trận Poitiers (còn gọi là trận Tours), giúp Tây Âu đẩy lui được cuộc xâm lăng của Đế quốc Hồi giáo thời bấy giờ. Năm 751, con trai của Quản thừa Charles Martel là Pepin Lùn đã phế truất triều Merovingian để lập ra một triều đại mới, vương triều Carolingian. Khi vua Pepin qua đời vào năm 768, con trai ông là vua Charles (sau này thường được biết đến như là Charlemagne hoặc Charles Đại đế) lên nối ngôi.

Charlemagne được đánh giá là vị hoàng đế vĩ đại và kiệt xuất nhất trong giai đoạn đầu Trung cổ với hàng loạt chiến thắng huy hoàng trong các cuộc chiến tranh. Từ năm 772, vua Charlemagne bắt đầu tấn công người Saxon ở phía nam nước Đức ngày nay và phải mất tới 32 năm thì mới hoàn toàn chinh phục được họ; đi kèm với những chiến thắng luôn là quá trình cải đạo ép buộc cho các man tộc không chịu tin vào Thiên chúa. Năm 774, Charlemagne thôn tính vương quốc Lombard ở Bắc Italy. Ở phía Tây, Charlemagne giành lại từ tay người Hồi giáo một phần đất đai phía nam dãy núi Pyrénées, với trung tâm là thành phố Barcelona. Đế chế Frank dưới thời Charlemagne có thể xem là có lãnh thổ tương đương với Đế chế Tây La Mã trước đây.

Vào ngày lễ Giáng sinh năm 800, giáo hoàng Leo III đã bất ngờ gia miện cho Charlemagne thành Hoàng đế La Mã (Imperator Romanorum). Giờ đây ông được xem như người kế thừa của các vị Hoàng đế La Mã xưa kia; sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì nó đánh dấu sự ra đời của "Đế chế La Mã thần thánh" sau này. Không chỉ có các những cuộc chinh phục, triều đại của Charlemagne còn được gắn liền với khái niệm "Phục hưng Carolingian", một thời đại đánh dấu sự phục hưng của các ngành nghệ thuật, học vấn, tôn giáo và văn hóa, thông qua trung gian là Giáo hội Công giáo. Những học giả đời sau cho rằng Hoàng đế Charlemagne chính là người đã đặt nền móng cho lịch sử phát triển của châu Âu thời Trung cổ.

Sau hiệp ước Verdun vào năm 843 giữa ba người cháu của Hoàng đế Charlemagne, Đế chế Frank to lớn bị chia làm ba phần và dần dần tan rã thành các quốc gia khác nhau. Phần phía Tây sau đó phát triển thành nước Pháp, phần phía Đông thành Đế chế La Mã thần thánh và phần giữa gồm các vùng như Bắc Italia, Burgundy, v.v...

Bức tranh thể hiện cảnh viên Trưởng quan biên phòng Roland tuyên thệ trung thành với vua Charlemagne

Từ khoảng năm 800 diễn ra sự tái xuất hiện của một nền nông nghiệp có hệ thống dưới hình thức đất tự do (tiếng Anh: open field system). Một thái ấp sẽ có nhiều mảnh đất và được chia ra trồng trọt bởi các gia đình xung quanh đó. Hệ thống luân canh ba mảnh đất cũng được áp dụng từ thế kỷ thứ 9: mảnh đất thứ nhất trồng lúa mì, mảnh đất thứ hai trồng các loại cây có khả năng chuyển hóa trực tiếp nitơ như yến mạch hay đậu, còn mảnh đất thứ ba thì được để không. Hệ thống luân canh này giúp có nhiều đất đai được trồng trọt hơn, và quan trọng hơn, nó làm giảm nguy cơ xảy ra nạn đói kém khi có một vụ mùa thất bát.

Sự quay trở lại của nền nông nghiệp có hệ thống trùng với sự xuất hiện của một hệ thống xã hội mới: chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến thể hiện hệ thống đẳng cấp dựa trên những nghĩa vụ tương hỗ, được gọi là các nghĩa vụ phong kiến. Các quý tộc nhận đất phong từ vua để trở thành lãnh chúa của một vùng đất, đổi lại họ phải hứa hẹn trung thành với nhà vua và đem quân tới giúp khi có chiến tranh. Trong từng lãnh địa, mỗi người dân sẽ phải phục vụ lãnh chúa của mình để đổi lại sự che chở của họ. Chế độ phong kiến đem lại lợi ích là giúp các quốc gia duy trì một sự an toàn nhất định cho nhân dân, ngay cả khi không có một bộ máy hành chính hoàn thiện. Thế nhưng mặt trái của nó là việc cát cứ ở địa phương; các lãnh chúa bắt đầu mạnh lên và hùng cứ ở lãnh địa của mình, dẫn đến tình trạng chia cắt kéo dài ở Tây Âu.

Một điểm rất đáng lưu ý là, về cơ bản, chế độ phong kiến ở phương Tây rất khác với phương Đông (đặc biệt là Trung Quốc). Ở phương Tây thì chế độ phong kiến gấn liền với giai cấp lãnh chúa và nông nô, hệ thống đẳng cấp dựa trên quan hệ lãnh chúa - chư hầu, tình trạng cát cứ kéo dài, còn ở phương Đông thì chế độ quân chủ tập quyền ra đời sớm và tồn tại lâu dài.

Thuỷ thủ Viking Đan Mạch, tranh vẽ giữa thế kỷ XII

Bản đồ mô tả những vùng định cư của người Scandinavia trong thế kỷ 8 (đỏ đậm), 9 (đỏ), 10 (cam) và 11 (vàng). Những vùng xanh là các vùng hay bị Viking cướp phá.

Thời đại Viking kéo dài từ năm 793 đến 1066 ở bán đảo Scandinavia và Anh. Trong khoảng thời gian này, người Viking, vốn là những chiến binh và thương nhân có nguồn gốc từ Scandinavia, đã cướp bóc và dong thuyền tới hầu hết các nơi ở châu Âu, một phần Bắc Phi và Đông Bắc châu Mỹ. Bên cạnh việc dựa vào khả năng hàng hải tiên tiến của mình để thám hiểm châu Âu và mở các tuyến đường buôn bán, người Viking còn tiến hành nhiều cuộc chiến tranh liên miên. Với niềm tin vào tôn giáo đa thần của mình, người Viking là những chiến binh lì lợm và hiếu chiến nhất được cả châu Âu khiếp sợ. Chính họ là một trong những nguyên nhân đã trói chân các cộng đồng Thiên chúa giáo ở châu Âu hàng thế kỷ, góp phần vào sự phát triển của chế độ phong kiến.

Thời đại Viking được xem như bắt đầu từ năm 793 khi họ tới cướp phá tu viện đảo Lindisfarne ở Anh. Từ năm 793 tới khoảng năm 850, những người Viking đã tấn công và chiếm đóng nước Anh, nhưng rồi sau đó họ bị Alfred Đại đế đẩy lui, đi tới một thỏa thuận chia đôi nước Anh trong hiệp ước Alfred và Guthrum (886). Người Viking từ đó đóng lại tại Danelaw ở đông bắc Anh. Tới năm 847 thì có một đợt người Viking mới tràn vào nước Anh khi Erik Bloodaxe đánh chiếm York. Người Viking tiếp tục hiện diện ở Anh cho tới thời Canute Đại đế (1016–1035), và thời đại Viking ở đảo Anh được ghi nhận là kết thúc sau thất bại của họ trong trận chiến cầu Stamford vào năm 1066. Một điều nên biết là không phải tất cả những người Viking tới Anh đều là để cướp bóc. Một số tới để sinh sống và có những đóng góp vào văn hóa. Việc khá nhiều từ ngữ trong tiếng Anh có xuất xứ từ ngôn ngữ cổ ở Scandinavia là minh chứng cho điều đó.

Ngoại trừ ở Anh thì lịch sử còn ghi nhận những cuộc viễn chinh của người Viking tới Ireland, Đông Âu, bán đảo Iberia, phần phía Tây của Đế chế Frank, Iceland và Greenland. Đặc biệt, vào khoảng năm 986, Bjarni Herjólfsson, Leif Ericson và Þórfinnur Karlsefni từ Greenland đã tiếp bước Erik the Red để tới Bắc Mỹ và tổ chức định cư tại một mảnh đất mà họ gọi là Vinland (vùng đất trồng nho), ngày nay thuộc đảo Newfoundland, Canada. Mặc dù vậy, những cuộc xung đột với người bản địa và việc thiếu tiếp tế từ quê nhà đã khiến họ phải bỏ cuộc chỉ trong vài năm sau đó.

Vào năm 911 ở Pháp, một đội quân Viking xâm lược do Rollo chỉ huy đã buộc vua Pháp ký hòa ước Saint Clair-sur-Epte để nhượng khu vực quanh cửa sông Seine cho họ chiếm đóng, đổi lại Rollo sẽ cải đạo và phục vụ cho vua Pháp. Vùng đất phong của Rollo sau đó được gọi là Normandy (xuất phát từ chữ northman) với thủ phủ là Rouen. Những người Norman sau đó chiếm được đảo Sicily và tiến hành cuộc chinh phục nước Anh vào năm 1066 dưới sự lãnh đạo của William Kẻ chinh phục (William I của Anh).

Từ thế kỷ 11, người Viking hòa mình vào các dân tộc khác ở châu Âu và dần dần đều cải theo Thiên chúa giáo.

Trước khi Kievan Rus ra đời, Đông Âu được thống trị bởi người Khazar, vốn là một nhánh người Turk đã tách ra khỏi nước Turkic Khaganate (còn gọi là Göktürks, hoặc theo tiếng Trung Quốc là Đột Quyết) từ thế kỷ thứ 7. Khazar là một nhà nước đa sắc tộc, phát triển hùng mạnh dựa vào việc kiểm soát những tuyến đường buôn bán trên sông giữa châu Âu và phương Đông. Người Khazar cũng tiếp nhận cống phẩm từ các dân tộc lân cận là người Alani, người Magyar, một số bộ tộc Slav khác, người Goth, và người Hy Lạp ở Crimea. Dựa vào các thương nhân lưu động thì họ cũng đã xây dựng mối quan hệ làm ăn tới Ấn Độ và Tây Ban Nha.

Khi những người Khazar này phải đối mặt với áp lực từ người Ả Rập đang mở rộng lãnh thổ, họ đã xoay sang liên minh với Constantinople. Mặc dù gặp vài thất bại lúc đầu nhưng sau đó họ đã chiếm lại Derbent và rồi tiến xuống vùng Caucasia. Bằng cách này, họ đã chặn đứng con đường tiến lên phía Bắc của Hồi giáo ở Đông Âu. nhiều thập kỷ trước khi Charles Martel làm được điều tương tự ở Tây Âu..

Tranh vẽ cảnh quân đội của Sviatoslav bị người Byzantine truy đuổi

Vào thế kỷ thứ 7, vùng duyên hải phía Bắc của Biển Đen tiếp nhận một đợt tấn công mới từ người Bulgar, những người đã lập nên một vương quốc Đại Bulgaria hùng mạnh dưới sự trị vì của Kubrat. Người Khazar sau đó đẩy được người Bulgar từ Nam Ukraine xuống trung lưu sông Volga (nơi họ thành lập nước Volga Bulgaria) và hạ lưu sông Danube (nơi họ thành lập Đế chế Bulgaria đầu tiên). Những người Bulgar ở sông Danube sau đó bị đồng hóa theo phong tục của người Slav và cải theo Chính thống giáo Đông phương của Byzantine.

Ở phía Bắc của Byzantine, nhà nước đầu tiên của người Slav được ghi nhận là Đại Moravia, xuất hiện từ thời Đế chế Frank tới đầu thế kỷ thứ 9 thì bị tiêu diệt bởi người Magyar (người Hungary). Những người Tây Slav sau đó cải theo Công giáo Rôma, còn những người Đông Slav thành lập nên nhà nước Kievan Rus của mình từ năm 880. Kievan Rus sau đó phát triển thành quốc gia có diện tích lớn nhất châu Âu lúc đó và cải theo Chính thống giáo Đông phương từ năm 990. Người Kievan Rus kiểm soát những tuyến đường thương mại từ Bắc Âu đến Constantinople và phương Đông. Thủ đô của Kievan Rus là thành phố Kiev.

Mặc dù lúc đầu có xung đột nhưng dần dần thì Kievan Rus và Byzantine thiết lập mối quan hệ liên minh, đặc biệt là khi Vladimir I của Kiev trở thành người nước ngoài đầu tiên được cưới một công chúa Byzantine trong vương triều Macedonia, điều mà ngay cả các vị vua Tây Âu cũng không có được. Những chiến dịch của cha Vladimir là vua Svyatoslav I đã làm tan rã hai cường quốc mạnh nhất ở Đông Âu lúc đó là Bulgar và Khazar.

Những cuộc xâm lăng của người Magyar trong thế kỷ thứ 10. Nhiều quốc gia châu Âu đã phải van xin: "Sagittis hungarorum libera nos Domine" - "Chúa cứu giúp chúng ta khỏi những mũi tên của người Hungary"

Người Magyar (về sau gọi là người Hungary) có nguồn gốc từ châu Á và có thuyết cho rằng họ là hậu duệ của người Hung sau thời vua Attila, nhưng điều này vẫn còn đang được bàn cãi. Khoảng năm 895-896, dưới sự lãnh đạo của Árpád, những người Magyar vượt dãy Carpathian để tới khu lòng chảo Carpathian. Năm 907, người Hungary đánh bại một đội quân Bavaria trong trận Pressburg và bắt đầu xua quân đi cướp phá các vùng lãnh thổ ở Đức, Pháp và Italy. Năm 910, họ tiếp tục đánh bại quân đội của Đế chế Frank ở gần Augsburg.

Từ năm 917 đến 925, người Hungary cướp phá dọc khắp Basle, Alsace, Burgundy, Saxony, và Provence. Mặc dù bị chặn lại ở Tây Âu sau thất bại trong trận Lechfeld (955), người Hungary vẫn tiếp tục cướp phá bán đảo Balkan cho tới năm 970. Sự định cư của họ sau đó được Giáo hoàng chấp nhận cùng với sự cải đạo, và vào năm 1001, Stephen I của Hungary đã được gia miện thành vua của Hungary. Từ đó, vương quốc Hungary trở thành một tấm lá chắn bảo vệ châu Âu Thiên chúa giáo khỏi những cuộc xâm lăng từ phía Đông và phía Nam, đặc biệt là từ người Thổ.

Bulgaria và những người hàng xóm Balkan dưới thời Boris I

Năm 682, những người Bulgar lập ra Đế chế Bulgaria đầu tiên hùng mạnh và giữ một vai trò lịch sử quan trọng ở Đông Nam châu Âu. Vào năm 718, Bulgaria đánh thắng triệt để người Ả Rập trong trận chiến gần Constantinople; vua của họ lúc đó là Tervel đã được tung hô là "Vị cứu tinh của châu Âu". Ngoài ra thì Bulgaria cũng đã chặn đứng những tộc người Pecheneg và Khazar, khiến họ không thể tiến sâu hơn nữa xuống phía nam. Dưới thời vua Simeon I (893–927), nước này được xem là có diện tích lớn nhất châu Âu, đe dọa sự tồn tại của Byzantine.

Thế nhưng vào năm 968 thì Bulgaria bị Kievan Rus tấn công lấy mất thủ đô Preslav và tới năm 1018 thì bị Byzantine chinh phục. Mãi tới một thế kỷ sau đó, người Bulgar mới lại nổi dậy thành công và lập nên Đế chế Bulgaria thứ hai, tồn tại tới thế kỷ 14. Về mặt văn hóa, sau khi cải đạo vào năm 864, Bulgaria trở thành trung tâm của thế giới người Slav theo Chính thống giáo.

Với sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã và sự suy tàn của các trung tâm thành thị, nền giáo dục bị suy giảm trầm trọng ở phía Tây. Giáo dục chỉ còn tồn tại ở các tu viện và nhà thờ. Mãi tới thế kỷ thứ 8 thì một sự "Phục hưng" cho nền giáo dục thời Hy Lạp - La Mã mới xuất hiện trong vương triều Carolingian. Ở Đế chế Byzantine, việc học hành (theo nghĩa là giáo dục chính quy, bao gồm cả văn học) được duy trì ở mức độ cao hơn phía Tây. Xa hơn nữa về phía Đông, người Hồi giáo chinh phục nhiều địa phận và mang theo nhiều tiến bộ về khoa học, triết học và các hoạt động trí tuệ khác trong một "thời hoàng kim" của việc học hành.